Sự khác biệt của “thành công” và “có vẻ như thành công”: Câu chuyện về chiếc đồng hồ Rolex giả sẽ khiến nhiều doanh nhân giật mình.
– “Con mua cái đồng hồ Rolex này khi nào thế?” Người
Sự khác biệt của “thành công” và “có vẻ như thành công”: Câu chuyện về chiếc đồng hồ Rolex giả sẽ khiến nhiều doanh nhân giật mình.
– “Con mua cái đồng hồ Rolex này khi nào thế?” Người cha giàu có hỏi tôi.
- “Con mua nó tuần trước ở Hồng Kông.” Tôi tự hào trả lời.
- “Nó có phải Rolex thật không?”
- “Dạ vâng.” Tôi ngập ngừng. “Nó là thật đấy.”
Người cha giàu mỉm cười nắm lấy cổ tay tôi kéo chiếc đồng hồ lại gần mặt và nhìn kỹ hơn. “Con mua nó giá bao nhiêu tiền?”
- “À, dạ, con đã mua nó với một mức giá khá hời.”
- “Là bao nhiêu?” Ông hỏi lại một lần nữa.
- “Năm đô- la.” Tôi buột miệng nói. “Nó là Rolex giả.”
- “Cha cũng nghĩ vậy.” Người cha giàu nhẹ nhàng nói. Ông im lặng một lúc, dường như đang suy nghĩ.
- “Tại sao con lại mua một chiếc Rolex giả?” Cuối cùng người cha giàu hỏi. “Tại sao con không mua một chiếc thật?”
- “Vì Rolex thật đắt tiền lắm.” Tôi trả lời.
- “Con biết tại sao những kẻ vi phạm bản quyền lại làm ra những bản sao rẻ tiền của một chiếc đồng hồ đắt tiền không?”
- “Bởi vì giá cả? Vì mọi người muốn có một món đồ giá rẻ?” Tôi nói.
Người cha giàu lắc đầu: “Con có biết thương hiệu Rolex đáng giá bao nhiêu tiền không?”
- “Không.” Tôi lại lắc đầu.
- “Con có biết thương hiệu Rolex có ý nghĩa gì không?”
- “Nó có nghĩa là thành công.” Tôi trả lời. “Nó có nghĩa là bạn đã làm được điều đó. Nó có nghĩa là bạn đã đạt đến đỉnh cao. Ít nhất đó là ý nghĩa của nó đối với con. Đó là lý do tại sao con mua một chiếc Rolex giả. Con chỉ muốn mình có vẻ như là một người thành công.”
- “Thế một cái đồng hồ Rolex giả sẽ nói gì về con?” Người cha giàu lại hỏi, nhìn thẳng vào mắt tôi.
- “Nó có ý nghĩa là con muốn thành công.” Tôi trả lời. “Và một ngày nào đó con sẽ sở hữu một chiếc Rolex thật.”
- “Thử lại xem nào.” Người cha giàu cười mỉm. “Nó có nghĩa con là một người giả tạo. Chỉ có người giả tạo mới mang một thứ giả tạo. Đó là ý nghĩa của một chiếc Rolex giả.”
- “Nhưng một chiếc đồng hồ Rolex thật tốn nhiều tiền lắm. Tôi phản đối. “Con chỉ muốn mang một chiếc Rolex và con không muốn tốn quá nhiều tiền cho một cái đồng hồ. Vì vậy nên con mua một chiếc Rolex năm đô-la. Ai biết được sự khác biệt chứ?”
- “Con sẽ biết.” Người cha giàu trả lời. “Con biết sự khác biệt của chúng. Tận trong thâm tâm con biết thương hiệu Rolex có giá trị như thế nào. Con biết thương hiệu đó có ý nghĩa gì. Đó là lý do tại sao con sẵn sàng trở thành một người giả tạo và mang một món đồ giả tạo.”
- “Con không đồng ý.” Tôi nói. “Không ai thấy được sự khác biệt cả. Con biết. Con đã xem xét kỹ cái đồng hồ trước khi mua. Trông nó rất giống hàng thật.”
- “Nhưng con biết nó không phải là hàng thật.” Người cha giàu nói một cách nghiêm khắc. “Con nghĩ con có thể đánh lừa được nhiều người, nhưng con không thể đánh lừa chính bản thân mình được. Những gì con nói về bản thân mình mới là quan trọng. Và ngay lúc này những gì con đang nói về bản thân mình là: ‘Tôi nghèo. Tôi không thành công và tôi không đủ khả năng mua một chiếc đồng hồ Rolex thật. Vì vậy nên tôi sẽ mua một cái đồng hồ giả bởi tôi là một con người giả.’”
- “Tại sao cha lại khó khăn với con như vậy?” Tôi hỏi. “Nó chỉ là một cái đồng hồ rẻ tiền thôi mà.”
- “Nó không chỉ là một cái đồng hồ rẻ tiền.” Người cha giàu nói với giọng khó chịu. “Nó là một cái đồng hồ giả, rẻ tiền, một vật ăn cắp. Nếu con sẵn sàng mua một thứ bị đánh cắp, điều đó sẽ nói gì về con?”
Tôi vẫn không hiểu tại sao người cha giàu lại làm lớn chuyện như vậy về một cái đồng hồ. Tôi biết nó là giả. Tôi biết nó là một bản sao được tạo ra bởi những kẻ vi phạm bản quyền. Thế thì sao chứ? Có vấn đề gì? Tôi làm tổn thương ai?
Người cha giàu lại tiếp tục nói: “Nếu con muốn trở thành một doanh nhân thành công, tốt hơn con nên biết tôn trọng một thương hiệu. Nếu con may mắn, có thể một ngày nào đó con sẽ có được một thương hiệu cho riêng mình. Có thể một ngày nào đó công việc của con sẽ giống như General Electric, Coca- Cola, hay McDonald’s. Nhưng nếu con là một người lừa lọc, công việc kinh doanh của con cũng sẽ là một sự lừa gạt. Chắc chắn nó sẽ không phải là một thương hiệu.”
Tôi không đồng ý với người cha giàu và tôi không thích những gì ông nói, nhưng tôi đủ lớn và đủ khôn ngoan để biết ngậm miệng lắng nghe. Tôi không cần phải chọc tức ông thêm nữa. Nhưng ông vẫn chưa xong bài học dành cho tôi.
”Nếu con không có thương hiệu, con chỉ là một loại hàng hóa. Con chỉ là một sản phẩm vô danh trôi nổi trong một thế giới vô danh.”
- “Có gì xấu khi trở thành một loại hàng hóa?” Tôi hỏi.
- “Sẽ chẳng có gì nếu con hài lòng với việc trở thành một loại hàng hóa.” Người cha giàu trả lời. “Đó là sự khác biệt giữa burger của một ông Bobby nào đó và burger của McDonald’s. Thương hiệu McDonald’s trị giá hàng tỷ đô-la. Thương hiệu Bobby không đáng giá một xu. Tại sao phải bỏ cả đời để xây dựng một doanh nghiệp mà không xây dựng được một thương hiệu?”
Người cha giàu dừng lại một lúc để cho tôi suy ngẫm bài học về sự khác biệt giữa thương hiệu và hàng hóa. Tôi hiểu ông muốn tôi phải tôn trọng những thương hiệu và ý nghĩa của chúng. Tôi hiểu ông muốn tôi một ngày nào đó phải trở thành một doanh nhân biết biến một doanh nghiệp thành một thương hiệu. Ông không muốn tôi chỉ là một doanh nhân tầm thường.
- “Con có biết rằng cái tên ‘Coca-Cola’ đáng giá hơn toàn bộ hệ thống kinh doanh của công ty đó không? Cái tên đó nó có giá trị cao hơn toàn bộ trang thiết bị, bất động sản và các hệ thống kinh doanh của nó cộng lại.” Người cha giàu nói, cố gắng làm cho tôi hiểu bài học về những thương hiệu của ông. “Bất cứ nơi nào con đi trên thế giới, Coca- Cola cũng là một thương hiệu.”
- “Vì vậy nếu con mang một cái đồng hồ Rolex giả nghĩa là con đang ăn cắp tài sản của Rolex. Ý cha là thế phải không?”
Người cha gật đầu, nói thêm: “Và việc mua sản phẩm từ một người ăn cắp của Rolex nói lên rằng: ‘Tôi mua một món đồ ăn cắp. Tôi ăn cắp danh tiếng của một người nào đó.’ Và có ai lại muốn kinh doanh với một người không trung thực, rẻ tiền, lén lút, không thẳng thắn và giả tạo?”
- “Chỉ có những người không trung thực, rẻ tiền, lén lút, không thẳng thắn và giả tạo mà thôi.” Tôi miễn cưỡng trả lời.
- “Nếu con phát hiện ra một người hàng xóm có tàu thuyền và những chiếc xe hơi đẹp nhưng thực chất anh ta là một tên tội phạm thì con sẽ nghĩ gì về anh ta?”
- “Không nghĩ gì nhiều.” Tôi trả lời. “Con sẽ tránh xa anh ta.”
- “Trong kinh doanh hàng ngày cũng thế.” Người cha giàu nói. “Những người trung thực không giao du với những người không trung thực. Danh tiếng của con là nền tảng cho thương hiệu của con. Hãy bảo vệ danh tiếng của con bằng cả mạng sống. Trong kinh doanh, danh tiếng của con quan trọng hơn doanh nghiệp của con.” Vừa nói người cha giàu vừa xòe bàn tay về phía tôi.
Tôi cởi chiếc đồng hồ đặt nó vào bàn tay mở rộng của ông. Người cha giàu đặt chiếc đồng hồ lên sàn nhà rồi giẫm chân nghiền nát nó. Vì là một món hàng chỉ đáng giá năm đô-la nên nó bị nghiền nát một cách khá dễ dàng.
Tôi đã hiểu!
Theo Cha giàu cha nghèo
Trang kiến thức chuyên biệt về Doanh Nhân, Kinh Doanh, Khởi Nghiệp, Làm Giàu, Tài Chính
Sự khác biệt của “thành công” và “có vẻ như thành công”: Câu chuyện về chiếc đồng hồ Rolex giả sẽ khiến nhiều doanh nhân giật mình.– “Con mua cái đồng hồ Rolex này khi nào thế?” Người