Dưới sự tấn công bất ngờ của Covid-19 ngay từ đầu năm 2020 là tác nhân chính ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu. Theo nhân định của nhiều chuyên gia, nen kinh tế toàn cầu vốn đã gặp nhiều
Dưới sự tấn công bất ngờ của Covid-19 ngay từ đầu năm 2020 là tác nhân chính ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu. Theo nhân định của nhiều chuyên gia, nen kinh tế toàn cầu vốn đã gặp nhiều khó khăn sẽ càng trở nên khó khăn, tình trạng tăng trưởng âm liên tục xuất hiện, khiến viễn cảnh của nền kinh tế thế giới càng u ám hơn.
Hiện tượng kinh tế tăng trưởng âm liên tục xuất hiện
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đến nay, con đường tăng trưởng của kinh tế thế giới ngày càng bấp bênh và thăng trầm hơn với sự cản trở của chủ nghĩa bảo hộ đang không ngừng trỗi dậy. Đại dịch COVID-19 gây nên sự biến động mạnh trên thị trường tài chính, chính phủ các nước đã đưa ra kế hoạch kích thích và can thiệp với quy mô lớn để ứng phó, điều này làm cho người ta liên tưởng đến tình hình trong thời gian bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Giá trị lãi suất, cổ phiếu, trái phiếu, dầu mỏ… đều đồng loạt giảm mạnh, thậm chí giảm đến mức âm đáng kinh ngạc, cho thấy cuộc khủng hoảng lần này khó lường.
Nền kinh tế thế giới chứng kiến việc: đi kèm với lãi suất âm thì cũng có giá dầu âm. Dịch bệnh bùng phát, Ngân hàng trung ương châu Âu tuyên bố có thể sẽ giảm lãi suất tiết kiệm xuống mức âm. Với tư cách là trung tâm kinh tế của Liên minh châu Âu (EU), lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm, 10 năm và 20 năm của Đức đều ở mức âm. Ngày 15/3/2020, Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã giảm lãi suất ngắn hạn xuống mức 0% và tuyên bố “duy trì phạm vi mục tiêu này cho đến khi nào chắc chắn rằng nền kinh tế có thể vượt qua tác động của các sự kiện gần đây và có triển vọng đạt được các mục tiêu việc làm và ổn định giá cả ở mức tối đa”. Ngày 20/5, Anh đã bán đấu giá 3,75 tỷ bảng Anh trái phiếu kỳ hạn 3 năm với mức lợi tức -0,003%, đây là lần đầu tiên Anh bán trái phiếu dài hạn với lợi tức âm.
Tăng trưởng kinh tế thế giới giảm sút, cộng thêm cuộc chiến dầu mỏ giữa Nga và Saudi Arabia đã khiến giá dầu lao dốc mang tính lịch sử, phản ánh hoạt động kinh tế toàn cầu đã trượt dài vào suy thoái. Giá hợp đồng tương lai của dầu thô ngọt nhẹ (WTI) có thời điểm giảm xuống 18 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2002 trở lại đây; thậm chí giá dầu WTI còn khiến các nhà đầu tư vô cùng kinh ngạc, giá hợp đồng tương lai giao trong tháng 5/2020 đột ngột giảm xuống mức thấp kỷ lục -37,63 USD/thùng – thực tế này đã phản ánh mâu thuẫn giữa lượng dầu dự trữ tăng lên và nhu cầu của toàn cầu đối với dầu thô giảm xuống rõ rệt, tiềm ẩn rủi ro rất lớn.
Có lạm phát thì sẽ có giảm phát. Trong khi các quốc gia đang phát triển thuộc khu vực thị trường mới nổi thường phải đối mặt với áp lực lạm phát, thì các nước phương Tây như Mỹ… với chính sách nới lỏng định lượng quy mô lớn, phát hành tiền tùy tiện lại đang đối mặt với rủi ro giảm phát do nhu cầu suy yếu và giá cả hàng hóa chiến lược sụt giảm. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I của Mỹ giảm 1,2% so với quý trước, mức thấp nhất kể từ quý IV năm 2008, nếu so với cùng kỳ thì đây cũng là mức thấp nhất so với quý IV năm 2009. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4 của Mỹ giảm 0,4% so với quý trước, mức giảm lớn nhất kể từ khi có số liệu vào năm 1957. Dưới áp lực của giảm phát, các doanh nghiệp dự báo giá sản phẩm sẽ giảm, dẫn đến lợi nhuận giảm nên không muốn sản xuất, trong khi người tiêu dùng kỳ vọng giá cả sẽ tiếp tục giảm xuống nữa nên không muốn tiêu dùng. Giảm phát hoặc kỳ vọng giảm phát càng kéo dài, cung cấp và tiêu dùng có xu hướng thu hẹp, thì tác động đối với nền kinh tế càng lớn. Những tác động kinh tế này có thể làm gia tăng hạn chế tính thanh khoản và thu hẹp thị trường tín dụng tài chính quốc tế; hoạt động tín dụng thu hẹp về không gian ngày càng lớn và thời gian kéo dài sẽ gây nên những tác động tiêu cực lớn hơn đối với tăng trưởng kinh tế.
Viễn cảnh kinh tế không có tồi tệ nhất mà chỉ có tồi tệ hơn. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 là hệ thống tài chính quốc tế tồn tại các vấn đề mang tính kết cấu, tác động tập trung vào nền kinh tế ảo, kinh tế thương mại quốc tế, đặc biệt là nền kinh tế Mỹ và châu Âu do mất thanh khoản nên thiếu sức sống; Còn ảnh hưởng chủ yếu của dịch bệnh COVID-19 năm 2020 tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, bộ phận quan trọng của nền kinh tế thực. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa hoàn toàn thoát khỏi bóng đen của khủng hoảng tài chính lần trước, đang trong thời điểm tăng trưởng thấp, nợ cao, rủi ro lớn, thì dịch COVID-19 bất ngờ xuất hiện đã khiến toàn bộ hoạt động sản xuất bị đình trệ, tiêu dùng của người dân bị hạn chế, cung cầu đồng thời thu hẹp, từ đó tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế thực toàn cầu. Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) công bố vào tháng 6/2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay là -4,9%. Hơn nữa, cùng với sự lây lan của dịch bệnh và sự mở rộng những thảm họa gián tiếp, viễn cảnh kinh tế thế giới dường như chỉ có tồi tệ hơn.
Nền kinh tế thế giới không chịu được sức ép
Hiệu ứng tiêu cực của toàn cầu hóa khiến cho người giàu ngày càng giàu, người nghèo ngày càng nghèo, thế giới luôn tồn tại hai thái cực đối lập nhau. Trong một thế giới cực đoan như vậy, sẽ có mọi thứ mới lạ xảy ra, nên hiện tượng kinh tế tăng trưởng âm không phải là điều ngạc nhiên.
Cục diện quốc tế biến đổi nhanh chóng. Thế kỷ 21 là một thời kỳ chuyển giao quyền lực quốc tế từ Tây sang Đông, chuyển tiếp quyền lực hợp pháp từ chính phủ sang các tổ chức phi chính phủ, nền chính trị thế giới không còn thuộc thẩm quyền của chỉ riêng các chính phủ (theo lời của học giả nổi tiếng của Mỹ Joseph Nye). Chắc chắn Mỹ vẫn là nhà lãnh đạo số một thế giới, tuy nhiên hiện nay Chính phủ Mỹ đặt “nước Mỹ trước tiên” lên trên chủ nghĩa đa phương, liên tục phá bỏ trật tự và nguyên tắc mà họ đã xác lập và duy trì. Trong khi nhiều vấn đề nội bộ của EU bị tích tụ, khủng hoảng nợ châu Âu, Anh rời khỏi EU (Brexit) đã làm châu Âu bị tổn thương nghiêm trọng, không thể tự lo liệu. Xu thế lớn chuyển từ Tây sang Đông trong cục diện chính trị và kinh tế quốc tế ngày càng rõ nét hơn.
Tỷ trọng của châu Á trong nền kinh tế thế giới ngày càng gia tăng, các quốc gia liên quan trở thành “miếng mồi ngon” cho sự cạnh tranh theo đuổi dòng vốn quốc tế. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các quốc gia châu Á dẫn đầu trong việc hồi phục, cơ sở tăng trưởng dần ổn định vững chắc. Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, về cơ bản các quốc gia Đông Á đã kiểm soát được dịch bệnh trong thời gian tương đối ngắn, thúc đẩy khôi phục sản xuất một cách có trật tự, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự ổn định của thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, những bất đồng thương mại Mỹ – Trung và xung đột, mâu thuẫn chính trị vốn có trên thế giới cũng được thể nảy sinh, gia tăng cấp độ đã tác động trực tiếp dẫn đến hiện tượng kinh tế tăng trưởng âm.
Nền kinh tế thế giới ngày càng khó đoán định. Đại dịch trên phạm vi toàn cầu đã khiến cho các nước phải đối mặt với hàng loạt những vấn đề nảy sinh trên tất cả các mặt: kinh tế, xã hội, chính trị, làm cho các chính phủ không kịp trở tay. Hơn nữa, những vấn đề này ngày càng đan xen chồng chéo tác động cộng hưởng lẫn nhau:
(i) Do không thể xác định được thời gian kéo dài và mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh nên đã ảnh hưởng đến chính sách ứng phó dịch bệnh của các nước. Nhiều năm qua, chủ nghĩa tự do mới có lợi đối với việc tích lũy tư bản đã khiến khoảng cách giàu nghèo trên toàn cầu ngày càng nới rộng, làn sóng chủ nghĩa dân túy hình thành và ngày càng lớn. Hơn nữa, dịch bệnh đã khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh, đời sống của tầng lớp dân nghèo ngày càng khó khăn, mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt, người dân của một số nước phương Tây như Mỹ… đã xuống đường biểu tình bày tỏ sự bất mãn đối với chính phủ.
(ii) Một số quốc gia lợi dụng dịch bệnh để lôi kéo sự ủng hộ của cử tri, thông qua việc đổ lỗi, đòi bồi thường, rút khỏi các tổ chức quốc tế để chuyển hướng sự bất mãn của dân chúng, tùy tiện đưa ra những dự đoán về nguồn gốc của dịch bệnh, tự ý làm gián đoạn quan hệ quốc tế, gắn dịch bệnh với chính trị, chính trị hóa vấn đề y tế, kinh tế, lòng tin giữa các nước xuống thấp, thậm chí đóng băng.
(iii) Sự khó đoán định của việc lây lan virus SARS-CoV-2 đã khiến tình hình kinh tế ngày càng phức tạp. Trước đây, phân công lao động quốc tế dựa trên cơ sở chi phí thấp nhất, lợi nhuận cao nhất, từ đó hình thành chuỗi cung ứng toàn cầu chặt chẽ và khổng lồ. Tuy nhiên, dịch bệnh tấn công khiến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhiều nước bị ảnh hưởng, phải thay đổi chính sách quản trị sang hướng: lựa chọn việc sản xuất gần, nhận hàng thuận tiện, bảo đảm nguồn cung. Hệ thống phân công lao động quốc tế đang được sắp xếp lại.
Càng thống nhất tài chính càng có tính nguy hại. Về lâu dài, sự khó đoán định lớn nhất đối với kinh tế thế giới là đến từ tài chính tiền tệ. Tiền tệ bắt nguồn từ trao đổi hàng hóa, tài chính phục vụ kinh tế hàng hóa. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của tài chính hóa kinh tế, tài chính tiền tệ đang dần từ thế bị động chuyển sang thế chủ động, lấn át, thậm chí thống trị các ngành nghề khác, dẫn đến “thực ảo khó lường”.
Trong lĩnh vực tài chính, hoạt đồng mua vào khi giá lên và bán ra khi giá xuống đã đi ngược lại quy luật cạnh tranh thông thường là mua vào khi giá thấp và bán ra khi giá cao, thị trường không minh bạch, cung cầu không cân bằng. Cùng với sự phát triển của tài chính hóa kinh tế, luật chơi tài chính thực tế lại thay thế quy luật giá trị hàng hóa, khiến cho các nguyên lý kinh tế cơ bản được các nhà kinh tế học truyền thống ủng hộ gần như hoàn toàn vô hiệu.
Kinh tế truyền thống tập trung thúc đẩy sản xuất, tập trung đầu tư giá trị, thông qua việc tạo ra giá trị để thu về lợi nhuận. Hiện nay, dưới sự thúc đẩy của tài chính hóa kinh tế, các ngành công nghiệp của Mỹ ngày càng bị “rỗng ruột”, nên kinh tế thực không ngừng bị thu hẹp một cách nghiêm trọng, thị trường chứng khoán nhiều lần tạo ra mức cao mới, người dân không chỉ khó hưởng được một chút lợi nhuận từ việc giá tài sản tăng vọt, hơn nữa còn phải gánh chịu hậu quả của vụ “vỡ bong bóng” đã được hẹn giờ.
Hạn chế tác động tiêu cực của đại dịch, kích cầu nội địa và tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp phục hồi sản xuất là ưu tiên hàng đầu của chính phủ các nước. Song, thế giới chưa thể tự tin về sự hồi phục kinh tế trong “một sớm một chiều”, khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và khó lường.
Theo: Tạp chí kinh tế và dự báo
Trang kiến thức chuyên biệt về Doanh Nhân, Kinh Doanh, Khởi Nghiệp, Làm Giàu, Tài Chính
Dưới sự tấn công bất ngờ của Covid-19 ngay từ đầu năm 2020 là tác nhân chính ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu. Theo nhân định của nhiều chuyên gia, nen kinh tế toàn cầu vốn đã gặp nhiều